Lịch sử Giáo xứ Phúc Nhạc
Đôi dòng lịch sử giáo xứ Phúc Nhạc
Phúc Nhạc (núi phúc), tên gọi của giáo xứ, đã được các bậc tiền bối đặt cho thật là đẹp. Đó là một địa danh tràn đầy phúc lộc của Trời cao. Phúc Nhạc có bề dầy lịch sử trong Giáo phận Phát Diệm, vì là giáo xứ có tuổi đời thành lập đứng thứ hai trong giáo phận, chỉ sau giáo xứ Hảo nho. Theo dòng thời gian, lịch sử Phúc Nhạc được dệt nên bằng những bước thăng trầm. Con cái Phúc Nhạc rất bình dị, hiền hòa, dễ thương, nhưng cũng rất bền bỉ, dẻo dai và can trường.
Chính họ đã làm cho Phúc Nhạc trở thành miền đất thiêng thánh. Thiêng thánh vì là quê hương của nhiều thánh tử đạo: máu của các thánh tử đạo Phúc nhạc đã hoà vào dòng máu tử đạo của Giáo Hội Việt Nam làm nên một mùa màng tốt tươi cho Giáo Hội; thiêng thánh vì Phúc Nhạc được đặt làm trung tâm kính các thánh Tử Đạo của giáo phận. Sau đây xin ghi lại những bước thăng trầm của Giáo xứ Phúc Nhạc.
1. Phúc Nhạc: Thời kỳ hình thành.
Giáo xứ Phúc Nhạc được tách ra khỏi giáo xứ Hảo Nho và được thành lập từ năm 1790. Nhà thờ Phúc Nhạc tọa lạc bên đường quốc lộ số 10, khoảng giữa từ ngã tư Cầu Lim Ninh Bình và Nhà Thờ Đá Phát Diệm.
Từ ngày thành lập, Phúc Nhạc không ngừng phát triển trên diện rộng và chiều sâu. Phúc Nhạc đã nhanh chóng trở thành “giáo xứ mẹ” khi sinh ra các xứ: Tôn Đạo, Phát Diệm, Tam Châu, Bình Hòa, Hiếu Thuận, Yên Vân, Nam Biên, Gia Lạc, Cách Tâm, Dưỡng Điềm…
Dòng Mến Thánh Giá Phúc Nhạc cũng được thành lập rất sớm (năm 1788). Nhà dòng được xây dựng ở họ Thôn Đồng quê hương bà Thánh Inê Lê Thị Thành, quen gọi Inê Đê (lấy tên con là Đê). Sau biến cố 1954 nhà dòng không còn ng¬ười, cơ sơ sinh hoạt, nhà nguyện bị đổ nát (hiện tại chỉ còn nền móng nhà nguyện), đất đai bị dân lấn chiếm. Việckhôi phục lại nhà dòng Mến Thánh Giá cho nhà Phúc Nhạc là nguyện vọng của các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương Phát Diệm và giáo dân Phúc Nhạc. Công việc cũng đang được đề nghị tìm giải pháp khả thi, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính từ phía chính quyền địa phương.
Kể từ ngày thành lập giáo xứ, Phúc Nhạc đã trải qua hơn 20 cha chính xứ: khởi đầu là cha già Nghiêm chính xứ và cha Thánh Ngân làm phó xứ, rồi đến cha Thánh Khoan từ 1828 – 1837… Đây là thời kì giáo xứ phát triển rất mạnh, các đoàn hội công giáo hoạt động tích cực, lòng đạo của giáo dân rất sốt sáng.
2) Phúc Nhạc: thời kỳ bách hại và khủng hoảng
Trong thời kỳ bách hại đạo, Giáo Hội Việt Nam phải hứng chịu muôn vàn đau khổ do các vua, quan Nhà Nguyễn: từ bị bắt bớ, tra tấn, tù ngục, chém giết, đến vu khống thóa mạ, tẩy chay như một thứ dịch bệnh hay lây. Có nhưng vùng được các quan địa phương có cảm tình với đạo thì giáo dân đỡ khổ, nhưng vùng nào gặp phải nhưng ông quan có ác cảm thì khổ đau còn gia tăng gấp bội. Phúc Nhạc không được may mắn như những vùng khác; bằng chứng là con số tử đạo rất đông. Có thể nói giáo xứ Phúc Nhạc là cái nôi sinh ra các vị tử đạo của giáo phận Phát Diệm. Có những vị đã được phong thánh, nhưng còn nhiều vị mà hồ sơ tử đạo của họ đang còn được cứu xét. Các vị đã được phong thánh như: cha thánh Khoan, cha thánh Đạt và thánh nữ Inê Lê Thị Thành (Bà Đê). Hài cốt của các Ngài một phần được lưu giữ ở gầm bàn thờ giáo xứ, phần còn lại được phân chia cho các xứ kính viếng. Các vị đang chờ được tôn phong như: cha Phêrô Cẩn (tử đạo ngày 21-05-1897), cha Tôma Mai Khanh, 3 cha khác nữa không rõ tên tuổi và ngày tử đạo, và tiểu chủng sinh tên Phaolô Bột. Tất cả hài cốt của các ngài đang được bảo quản tại nhà thờ giáo xứ Phúc Nhạc. Các ngài đã góp phần ghi lên trang sử vàng cho giáo xứ và Giáo Hội Việt Nam.Đặc biệt trong 118 vị thánh tử đạo Việt Nam, Thánh nữ Inê Lê Thị Thành, quen gọi là bà thánh Đê quê Phúc Nhạc, một phụ nữ thôn quê, chất phác nhưng có lòng trung kiên vững vàng can đảm làm chứng cho Chúa. Hình như Chúa quan phòng muốn tô điểm rực rỡ tấm gương duy nhất đại diện cho toàn thể nữ giới Việt Nam đặc biệt cho các bà mẹ công giáo noi theo.
Sau thời bách hại, thánh giá cũng còn nguyên đó, năm 1949 quân đội viễn chinh Pháp lập đồn trú tại vùng Phúc Nhạc, lấy nhà xứ và tiểu chủng viện Phúc Nhạc làm trại đóng quân. Vùng đất thiêng thánh bị miễn cưỡng biến thành khu quân sự, nhà xứ phải di chuyển sang họ Thôn Đồng; tiểu chủng viện Phúc Nhạc bị quân đội Pháp chiếm dụng phân nửa. Năm 1954 Pháp rút quân khỏi Phúc Nhạc, thì Việt Minh lại tiếp quản, khó khăn vẫn tiếp tục đổ xuống trên giáo xứ. Biến cố di cư vào Miền Nam đã tàn phá giáo xứ Phúc Nhạc cả về nhân sự, cả về cơ sở vật chất mà hậu quả đến ngày nay cũng chưa khắc phục hoàn toàn. Đồng bào công giáo không còn mấy: trước 1954, giáo xứ có 11 họ đạo, nhưng sau 1954 chỉ còn lại 7 giáo họ, giáo dân thưa thớt. Cha già cố Liêm đã hưu trí tại họ Tân Hợp, phải trở lại tiếp tục trông coi giáo xứ. Năm 1960 cha già cố Liêm qua đời, các cha trong giáo phận không còn mấy, lúc đó cha Matthêu Đặng Đức Hậu chính xứ Tam Châu phải kiêm mấy năm rồi qua đời. Giáo xứ lại vắng bóng chủ chăn, bị cấm cách, kiểm soát nên tinh thần đạo của giáo dân sa sút trần trọng. Các cơ sở của giáo xứ bị hư hỏng, nhà thờ không còn cửa, cỏ dại mọc tràn lan tới cả cửa nhà thờ, nhà xứ hoang vu, đất đai nhà xứ bị chiếm đoạt, đền bà thánh Inê Đê bị hư hỏng, tiểu chủng viện Phúc Nhạc bị nhà nước mượn làm trường học, nhà dòng không còn ai, cơ sở bị đổ nát, đất đai bị dân lấn chiếm nay chỉ còn móng nhà nguyện, có thể nói đây là thời kỳ đen tối nhất của lịch sử giáo xứ Phúc Nhạc.
3) Phúc Nhạc: Thời kỳ phục hưng và phát triển
Sau chiếu chỉ tha đạo của vua Tự Đức (hòa ước Nhâm Tuất), Phúc Nhạc lại bắt đầu mở ra một trang sử mới: mọi sinh hoạt tôn giáo và các hội đoàn phát triển mạnh mẽ. Các cha xứ, cha phó luôn luôn đồng hành coi sóc bổn đạo một cách tận tình. Đời sống đức tin của tín hữu trong giáo xứ được trưởng thành hơn. Dòng Mến Thánh Giá đượcc khôi phục. Điều đáng nói nhất là trong thời kỳ này tiểu chủng viện Phúc Nhạc được thiết lập. Tiểu chủng viện Phúc Nhạc do đức cha Chiêu (Theurel) ủy cho cố chính Phước (Pugimier) xây dựng và làm giám đốc năm 1867. Tiểu chủng viện sơ khai là nhà gỗ lợp rạ rồi lợp bổi, tiếp theo cố Tràng Khánh xây nhà nguyện ở trung tâm bằng gạch và lợp ngói nam, tháp chuông cao 12 m (hiện nay tháp vẫn còn nhưng nhà nguyện đã mất mái). Năm 1927 cố Tràng Tuấn khởi công xây nhà 3 tầng đồ sộ nhất Ninh Bình: dài 100 m rộng 15 m hoàn thành năm 1930 đời cố Nhạc. Diện tích khu tiểu chủng viện rộng 6 mẫu bắc bộ (21600 m2). Từ khi thành lập tiểu chủng viện đến năm di cư 1954 đã có 14 cha giám đốc, 25 cha thừa sai Pháp và 45 cha Việt Nam. Các thầy giáo có 120 thầy, số chủng sinh 1026 đã mãn khóa. Xuất thân từ tiểu chủng viện này có 7 đức Giám mục: đức cha Gioan Phan Đình Phùng, đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, đức cha Giuse Lê Quí Thanh, đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến, đức cha Phaolô Nguyễn Minh Nhật, 377 linh mục và hàng trăm thầy giảng.
Phúc Nhạc, từ sau cái chết của cha Đặng Đức Hậu (1965) vắng bóng chủ chăn cho đến năm 1982, mới có chủ chăn được bổ nhiệm: cha Antôn Đoàn Minh Hải, Chính xứ Phúc Nhạc. Từ năm 1982 – 1992, cha xứ Antôn Hải cùng bà con giáo dân nỗ lực xây dựng lại cơ sở vật chất và nhất là đời sống đức tin được phục hồi và củng cố.
Từ năm 1999 – 2007 cha Giuse Trần Văn Khoa, Chính xứ Phúc Nhạc, tiếp tục khôi phục giáo xứ về mọi phương diện. Phúc Nhạc quả thực đã hồi sinh.
LM Nguyễn bá Khuê đứng trước bàn thờ Bà Thánh Đê
Từ năm 2007 đến nay, cha Tôma Aquinô Nguyễn Bá Khuê, Chính xứ, tiếp tục công việc của các đấng tiền nhiệm, đang cố gắng hoàn thiện về cơ sơ vật chất và chăm lo đời sống đức tin trên nền tảng Đức Ái và niềm Cậy Trông.
Giáo xứ Phúc Nhạc được giáo phận đặt làm trung tâm tử đạo năm 1996. Năm 2005 nâng cấp thành đền thánh tử đạo. Đây là trung tâm hành hươnng của giáo phận Phát Diệm. Hàng năm mừng đại lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24/11) tại trung tâm tử đạo Phúc Nhạc, quy tụ từ 3000 – 5000 tín hữu. Bên cạnh đó Phúc Nhạc còn là nơi đón tiếp các đoàn hành hương và các nhóm tĩnh tâm. Hy vọng nhờ Ơn Chúa và các thánh Tử Đạo Phúc Nhạc cầu bầu, Phúc Nhạc trở nên đúng với tên gọi của mình là “Núi Phúc” cho giáo dân Phúc Nhạc và cho khách thập phương đến cầu khẩn tại đây.
Nhìn chung với đà phát triển và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, đời sống đức tin của Phúc Nhạc không ngừng lớn mạnh. Phúc Nhạc đang cống hiến cho đời nhiều hoa thơm quả ngọt: khởi đi từ các thánh tử đạo, đến con cái Phúc Nhạc từ khắp nơi đang tận tình phục vụ Thiên Chúa và loài người. Hơn 50 linh mục và nhiều nữ tu. Đặc biệt Chúa đã chọn đức cha Giuse Nguyễn Năng, một người con của Phúc Nhạc, làm chủ chăn giáo phận Phát Diệm. Với lòng yêu mến quê hương dân tộc và bầu nhiệt huyết tông đồ của ngài, ngài sẽ cùng với mọi thành phần Dân Chúa xây dựng cộng đồng giáo phận mỗi ngày một thăng tiên hơn trong tinh thần “hiệp thông và phục vụ”.